Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

ĐẦU NĂM, LẠM BÀN CHUYỆN HÚT THUỐC

“Hút thuốc có hại cho sức khỏe”, khẩu hiệu này đã trở thành luật, khỏi bàn. Nhưng cũng không khỏi lăn tăn thắc mắc: Rứa có cái chi không hại cho sức khỏe? 
Thịt, cá một thời không có ăn, Tết mới được phân phối một ký, bây giờ mới hơi đầy đủ một chút đã sinh ra béo phì, gút, tiểu đường, huyết áp, mọi người đua nhau ăn kiêng, vào nhà hàng sang trọng, xem menu một hồi rồi gọi… thịt Tam Tạng. Sữa, đường, coca pepsi, các loại thuốc bổ có hại không? Có chứ! Các bác sĩ vẫn khuyên không nên lạm dụng. Rồi cả khí trời, nước, ánh nắng… đều ô nhiễm, ra đường bịt mặt như ninja. Làm gì có thế giới vô trùng? 
Mà vô trùng cũng chưa chắc tốt. Nhớ khi các chuyên gia Arsenal qua tuyển mấy đứa nhỏ đào tạo cầu thủ bóng đá, đi khắp nước tìm cuối cùng chọn mấy đứa con em người dân tộc vùng cao. Tụi nó từ nhỏ tới lớn uống nước suối, ăn trái rừng, đi chân không, chạy đầu trần giữa nắng mưa, chắc chắn ăn ở mất vệ sinh, nhưng thể lực tuyệt vời. Còn bao nhiêu cậu ấm Sàigòn bị loại từ vòng ngoài, dù được chăm sóc tắm giặt bằng đủ thứ chất tẩy rửa, ăn chín uống sôi, ngủ máy lạnh. Vì cậu nào cũng da thịt bệu bạo, đi đứng chậm chạp, dị ứng với đủ loại chung quanh, kỵ nắng ngại mùi sương.
Ừ thì hút thuốc có hại, ai cũng biết nhưng sao cứ bị hút vào? Vừa rồi gặp Trần Ngọc Tịnh, mình ngồi hút thuốc, Tịnh ngồi nhìn cười, nhắc lại chuyện hồi đó Tịnh cũng tham gia vào phong trào đòi các cha giáo cho chủng sinh quyền được hút thuốc. Các cha hút được sao lại cấm các chú? Một số chú thuộc loại dân chơi hay nháy nhau tìm chỗ kín phì phà khoái chí, khoái vì thuốc thì ít mà khoái vì “làm cách mạng” nhiều hơn. Nổi tiếng nhất là Nguyễn Sáng chơi bạo hút trong phòng etude, thấy cha tới vội ngậm miệng ém khói, diễn mặt tỉnh bơ ra vẻ chăm học, bị cha vỗ cái độp vào vai, phì ra một luồng quỷ sứ. Cha mô rứa hè, quên mất?
Tui thuộc loại con nhà lành, không dám phá phách. Hút điếu thuốc đầu tiên trong đời vào khoảng năm lớp 11. Tò mò muốn biết thử ra răng, bèn mua một gói Salem chờ khi mặt trời lặn ra đứng trên cầu Tràng Tiền rút một điếu châm lửa hút. Mới hơi đầu tiên đã ho sặc sụa, vất cả gói xuống sông Hương, thề không bao giờ đụng tới điếu thuốc.
Tới năm 75, trong lúc túng quẫn, lại kiếm ăn được bằng nghề buôn lậu thuốc lá. Về các làng trồng thuốc lá ở quanh Phan Rang, mua đưa lên tàu hỏa đem ra Nha Trang bán. Lọt được thì đỡ, bị túm thì cụt vốn. Sau đó vào Sàigòn mua một chiếc hộp cuốn thuốc lá, ra Chợ Lớn mua thuốc sợi về cuốn, cho vào bao ra đứng ở bến xe Văn Thánh bán. Chiếc xe đẩy bán thuốc giờ vẫn còn. Thiệt tình lúc đó mong có càng nhiều người hút càng tốt, nhưng bản thân mình lại vẫn không hề đụng tới.
Ba mươi tuổi, ra Hà Nội học nghề đạo diễn, thằng bạn nhờ đóng một vai trong tiểu phẩm thi học kỳ. Tui vào vai một tay chơi đi tán gái, lên sàn diễn cầm bao thuốc lá lóng ngóng rút ra một điếu, rồi lóng ngóng châm thuốc, nhìn biết ngay thằng chưa hề hút thuốc. Tiếng xì xào của người xem ở dưới khiến mình càng thêm run. Tới khi hít một hơi thì thiệt đại họa: vừa ho vừa chảy nước mắt nước mũi, quên hết lời thoại vai diễn. Thiên hạ cười um lên. Thằng bạn bị điểm kém giận cả tháng. 
Đến gần năm mươi tuổi mới bắt đầu hút thuốc. Lúc đó ông phó giám đốc Hãng Phim chết vì ung thư. Cả bọn ngồi nhà đám vừa phì phà hút thuốc vừa xì xầm chỉ một chuyện: ông này không hút thuốc uống rượu cũng bị ung thư, uổng cả đời, sống làm chi cho lâu… Mình ngồi đó nghe thấy nhột, nghĩ sau này mình chết tụi nó cũng ngồi vậy nói vậy, liền cầm bao thuốc rút một điếu hút cho mọi người thấy. Và từ đó đứng vào hàng ngũ những người hút thuốc.
Vợ phát hiện hoảng hồn, năn nỉ ỉ ôi, nói bao nhiêu người muốn bỏ không được, ông già nửa đời sinh tật tập hút thuốc. Mình thấy bỏ thuốc thì dễ thôi, có mấy người quen nghiện nặng, tới hồi bỏ cái rụp, khó khăn gì đâu. Có anh bạn người Huế, tên Quý Tiết (họ Quý thuộc hoàng tộc, giống như Bửu, Vĩnh), làm quay phim. Anh ta trung bình một ngày năm gói, khi nào phải dựng phim suốt đêm thì tám gói. Vậy mà đến khi có cháu ngoại hay chạy vào phòng dựng, anh bỏ hút luôn. Nhiều người như vậy lắm. Mình phục ý chí những người đó. Nhưng đến khi hỏi sao không hút ít lại, ngày vài điếu thôi cho vui, họ đều trả lời: không được, phải bỏ luôn, chứ hút một điếu lại kéo theo điếu khác, không dừng được. Vậy là dở rồi, chấp nhận đầu hàng rồi. Theo mình, ghiền cũng dở, mà bỏ hẳn cũng dở. 
Hà cớ gì phải bỏ một lạc thú hấp dẫn hàng tỷ người. Nó cũng có cái hay của nó chớ. Mình thấy trước hết nó giúp mình giải tỏa cảm xúc. Vui buồn yêu ghét cần tìm cách bộc lộ ra, giữ trong mình dễ phát điên lắm. Nhưng vô lẽ cứ cười hoài khóc hoài. Điếu thuốc giúp mình giải tỏa trong cô đơn, yên lặng. Nó cũng là đầu câu chuyện. Đi dự liên hoan phim ở nước ngoài, thấy mấy ông đạo diễn nổi tiếng muốn làm quen, nhưng ngại ai cũng bận. Mấy cha đó thường ghiền nặng, cứ chờ khi họ ra ngoài hút thuốc, mình cũng cầm gói thuốc đứng kế bên là tha hồ trò chuyện. Ngại nhất là hút thuốc một mình, co ro đứng một góc, thiên hạ đi qua lại liếc xéo mình như thằng tội phạm, nên có người phe ta đến rất mừng. Hút xong điếu thuốc đủ để giới thiệu, trao đổi địa chỉ, mời đi xem phim nhau. Lần sau gặp coi như bạn, dù có gấp mấy cũng phải kéo nhau ra ngoài làm điếu thuốc. Lợi lắm.
Cho nên, anh hùng là biết kiểm soát liều lượng, tức là biết làm chủ mình. Hút nhiều thì hại rồi, nhưng ăn uống đồ bổ nhiều quá cũng chết. Vấn đề là liều lượng. Tui hút thuốc có tiêu chuẩn rõ ràng: mỗi ngày không quá năm điếu, cộng thêm những trường hợp đặc biệt. Năm điếu thì các bạn biết rồi, sáng dậy cà phê, uống trà đã hao ít nhất ba điếu. Đến khoảng 10 giờ thì hết mẹ nó tiêu chuẩn. Nhưng còn câu thòng: những trường hợp đặc biệt. Vui nhất là cái này. Hơn thua nhau ở chỗ này.
Ví dụ như có bạn đến chơi. Mừng hơn bắt được vàng. Bạn lại vui vì không ngờ mình mừng như rứa. Đàng hoàng cầm gói thuốc mời bạn và dĩ nhiên có phần mình. Vợ không dám cằn nhằn. Nhưng có nhiều khi chờ dài cả cổ không có thằng nào dẫn xác tới, lại phải viện cớ đi thăm. Tình bạn thêm thắm thiết. Nhưng trường hợp này cũng không khai thác được nhiều, mất thì giờ lắm, ai cũng bận. 
Tui làm phim, các bạn biết rồi. Viết kịch bản, nghĩ ra cái gì hay, sướng cả người, cho vào trường hợp đặc biệt. Càng nhiều sáng tạo càng tốt. Mỗi ý mới là một điếu, rẻ quá. Nhưng khổ lắm, nhiều khi cả tháng ngồi hoài chả nghĩ ra được chi hay. Nhất là càng già trí óc càng mòn đi. Ngồi hàng giờ trước máy vi tính, gói thuốc để sẵn một bên, thèm nhỏ nước miếng mà đành chịu. 
Nhưng đọc sách, xem phim của người ta, đôi lúc gặp nhiều cái hay, run cả người, tự duyệt cho vào trường hợp đặc biệt, vừa xúc động vừa hút một điếu, sướng lắm các bạn. Nhưng cũng phải quy định rõ: chỉ những gì khiến mình nổi da gà, chảy nước mắt mới được gọi là hay. Chất kích thích của thuốc lá cộng hưởng với cảm xúc có được từ truyện từ phim làm phấn chấn cả người, cảm hứng dồi dào hẳn. Điều này khuyến khích mình siêng đọc siêng xem hơn. Tốt lắm.
Nói chung, mỗi người tùy theo tính cách và hoàn cảnh, đều có những trường hợp đặc biệt riêng của mình. Trong nhà, ra đường, tới chỗ làm…, gặp người này, thấy chuyện kia đều có thể phát hiện những cái hay, lạ, khiến mình vui hoặc buồn, thưởng cho một điếu ngoài tiêu chuẩn, còn gì sướng hơn. Nhạc Trịnh nói rồi: mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Nó đầy dẫy quanh ta mà mình ít chú ý nên không nhận ra, trừ khi thèm thuốc. Nhớ hồi qua Paris làm hậu kỳ phim, giá mỗi gói rẻ nhất là 6 euro, tức khoảng 150.000đ, nên tiêu chuẩn năm điếu phải giữ kỹ. Báo hại từ trưa là phải tìm trường hợp đặc biệt. Nhưng ở đây đã hơn ba tháng, còn gì đặc biệt nữa? Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà… đều đã sử dụng rồi. Bất ngờ nghe tiếng người lao xao: Tuyết rơi. Tuyết đầu mùa lất phất mỏng mảnh như tơ nhện, rơi quyện vào nhau như tiên nữ nhảy múa. Lần đầu tiên thấy tuyết. Còn chi đặc biệt hơn, vội vàng rút ra một điếu châm hút, nhả khói tới đâu thấy tới đó, sướng thiệt.
Tóm lại, mình tự đặt ra những qui định về chuyện hút thuốc:
            - Không hút trong nhà, nhất là gần trẻ nhỏ.
            - Chỉ hút khi uống cà phê, trà, bia… khiến miệng và cổ họng ướt, đỡ hại niêm mạc.
            - Chỉ hút khi có cảm xúc gì đó, chứ đừng vì thói quen.
            - Chủ động làm chậm lại một chút trước khi đốt thuốc, càng lâu càng tốt. Đó là khoảng thời    gian thích thú nhất.
            - Đặt tiêu chuẩn bao nhiêu điếu mỗi ngày, càng ít thì giá trị càng cao.
            - Cuối cùng, cương quyết không nhượng bộ việc vượt rào.
Việc tự đấu tranh mỗi ngày khiến cuộc sống phấn chấn hơn. Có những lúc mình thua, thèm quá chịu không nổi đành vượt rào, hút một điếu cho đã. Có những lúc mình thắng, cuối ngày tính lại còn dư tiêu chuẩn, tự hào về ý chí của mình, thưởng cho một điếu, sướng lắm. Thua thắng gì đều có lợi.
Không nên hút nhiều và cũng không nên bỏ, hãy biến việc hút thuốc thành niềm vui nho nhỏ, rẻ tiền, thay cho bia ôm, mátxa, cờ bạc. Biến nó thành một phương tiện tự rèn luyện ý chí mình mỗi ngày. Biến nó thành một nghệ thuật sống.
Đầu năm thong dong ngồi phì phèo điếu thuốc, thấy vợ đi qua lại đá thúng đụng nia, miệng làu bàu: Biểu bỏ thuốc không chịu, hút hoài! Mình tức quá mà không dám cãi, che miệng rủa thầm: “Con người hơn con chó ở chỗ biết hút thuốc!”. 
Bao nhiêu ấm ức dồn vào trang giấy gởi các bạn chia sẻ, chắc nhiều người có chung tâm trạng.

           Vinh Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét